26 thg 1, 2010

102. Có thật Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội châu cho mật thám Pháp năm 1925? Sự thật về cuộc đời lãnh tụ.

TUMASIC.TK- Trong một cuốn sách của nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh tại Mỹ, William Duiker đã kể lại cho độc giả nghe lại câu chuyện " Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội Châu cho mật thám Pháp năm 1925" cùng với những suy luận, phân tích của mình.






Blog Tumasic xin đưa lại nội dung đã được trang Dân Luận dịch sang Việt ngữ phần trích từ cuốn "Hồ Chí Minh - Một cuộc đời" của William Duiker để rộng đường dư luận




Nhà ái quốc Phan Bội Châu bị mật thám bắt năm 1925
Tại sao Nguyễn Ái Quốc lại tin rằng cần phải có cuộc cách mạng thế giới? Tại sao một cách tiếp cận phi bạo lực để giành độc lập dân tộc lại không đủ? Suy nghĩ của ông về các vấn đề này thường không xuất hiện trên các ấn phẩm, nhưng một bức thư ông viết từ Quảng Đông cho Nguyễn Thượng Huyền, một học trò của Phan Bội Châu đang sống cùng với nhà yêu nước lớn tuổi này ở Hàng Châu đã cho thấy một số điểm thú vị về những quan điểm của ông. Ông Huyền là cháu của Nguyễn Thượng Hiền, một học giả yêu nước, từng là hiệu trưởng của Trường Đông kinh Nghĩa thục Hà Nội. Mùa xuân năm 1925, ông Huyền đã gửi cho ông Nguyễn Ái Quốc một bản sao bài báo về cách mạng mà ông vừa viết dự định sẽ cho xuất bản và hỏi ý kiến của ông Nguyễn. Trong bài viết, đó ông Huyền lấy nguồn gốc của khái niệm cách mạng từ cuốn sách Trung Hoa cổ Kinh Dịch trong đó nói rằng cách mạng tương đương với thay đổi triều đại. Sau đó, ông kết luận rằng cuộc đấu tranh chống lại chế độ thuộc địa đã thất bại bởi sự tàn bạo của người Pháp và rằng cách tốt nhất để giành độc lập là bằng các chiến thuật phi bạo lực tương tự phong trào tẩy chay mà Ma-hát-ma Gan-di phát động ở Ấn Độ thuộc Anh.

Trong thư trả lời, Nguyễn Ái Quốc nêu lên sự hoài nghi về nguồn gốc Trung Hoa của khái niệm này (Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng có nguồn gốc văn hoá phương Tây) và đưa ra định nghĩa riêng của mình, trong đó đối lập cách mạng với cải cách. Cải cách, theo như Nguyễn Ái Quốc, liên quan đến những thay đổi về thể chế của một nước cụ thể nào đó. Cho dù cải cách có hay không đi kèm bạo lực thì một số trật tự cũ vẫn luôn tồn tại. Thay đổi triều đại, mặt khác hoàn toàn xoá bỏ một hệ thống và thay bằng một hệ thống khác. Vì vậy, thay đổi triều đại không tương đương với cách mạng, vì những người chiến thắng vẫn giữ lại hệ thống quân chủ. Đối với trường hợp của Gan-di, Nguyễn Ái Quốc nói thêm, vị lãnh đạo tinh thần của Ấn Độ rõ ràng là một người cải cách hơn là nhà cách mạng, vì ông chỉ đòi hỏi người Anh cải cách các thể chế của Ấn Độ mà không kêu gọi người Ấn Độ nổi dậy giành độc lập, và ông cũng không đòi hỏi người Anh tiến hành các thay đổi toàn diện trong chính phủ Ấn Độ. Nguyễn Ái Quốc nhận xét rằng chỉ sau khi Anh từ chối các yêu sách của mình, Gan-di mới kêu gọi tẩy chay.

Đối với nhận xét của ông Huyền rằng cách mạng đã thất bại ở Việt Nam vì sự tàn ác của người Pháp, Nguyễn Ái Quốc đáp lại với đôi chút bực bội: “Anh trông đợi điều gì? Anh nghĩ rằng họ sẽ cho chúng ta tự do muốn làm gì thì làm, để chúng ta làm mọi cách để đuổi họ đi ư? Anh nghĩ rằng họ sẽ khoanh tay ngồi nhìn chúng ta tấn công vào lợi ích của chính họ ư? Thay vì trách cứ người khác, tôi cho rằng tốt hơn hết là tự trách mình. Chúng ta phải tự hỏi rằng “Tại sao người Pháp lại có thể đàn áp chúng ta? Tại sao nhân dân chúng ta lại ngu muội như vậy? Tại sao cách mạng của chúng ta chưa thành công? Bây giờ chúng ta phải làm gì?” Anh so sánh chúng ta với những kinh nghiệm thành công của Ai Cập và Ấn Độ, nhưng họ thì giống như cái ô tô có bánh xe và lái xe, còn chúng ta chỉ như cái khung gầm xe. Ấn Độ và Ai Cập có các đảng chính trị, có các đảng viên, các nhóm nghiên cứu, các hội nông dân. Và tất cả họ đều biết phải yêu nước như thế nào. Gan-di đã thực hiện chính sách tẩy chay, liệu chúng ta có làm được như vậy không? Các đảng của chúng ta đâu? Chúng ta chưa có đảng, không có tuyên truyền, không có tổ chức và anh vẫn muốn chúng ta sẽ tẩy chay người Pháp”.

Nguyễn Ái Quốc kết luận bằng một câu cách ngôn của La Phông-ten về những con chuột không dám gắn chuông vào con mèo để được báo động trước khi bị tấn công. Thế còn những người con của Rồng (tức là người Việt Nam), ông nêu câu hỏi: “Chúng ta mà lại như chuột à? Thật là nhục nhã”.

Tại Hàng Châu, Phan Bội Châu đã quan tâm chút ít đến sự xuất hiện của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc đã hứa sẽ giúp nhà yêu nước cao tuổi theo kịp các nhà hoạt động của mình, và họ đã nhất trí rằng Phan Bội Châu sẽ dàn xếp một chuyến đi đến Quảng Đông trong mùa hề năm 1925. Trong bức thư gửi Nguyễn Ái Quốc đầu năm đó, Phan Bội Châu đã ca ngợi sự sáng suốt và bề dày kinh nghiệm của người thanh niên này và tuyên bố rằng ông vui mừng khi biết có ai đó sẽ làm tiếp công việc của ông khi ông đã cao tuổi và trở nên lạc hậu. Tuy nhiên, Phan Bội Châu cũng nói rõ rằng ông muốn tham gia phong trào; trong một lá thư khác gửi Hồ Tùng Mậu, một trong các đồng sự của Nguyễn Ái Quốc, ông đã ngầm chỉ trích Nguyễn Ái Quốc bằng việc cảnh cáo những người yêu nước trẻ tuổi này không nên đi quá nhanh.

Thậm chí trước khi Phan Bội Châu có thể thực hiện các kế hoạch đi đến Quảng Đông, ông đã phàn nàn rằng Nguyễn Ái Quốc đang phớt lờ mình. Vào giữa tháng 5, Phan Bội Châu rời Hàng Châu đi Thượng Hải bằng tàu hoả, nhưng giới chức Pháp ở Trung Hoa đã được một mật thám là chính tuỳ tùng của ông thông báo về kế hoạch này. Khi tới nhà ga Thượng Hải, là tô giới quốc tế của thành phố, Phan Bội Châu đã bị các nhân viên an ninh cải trang thành lái tắc-xi của Pháp bắt và đưa về Hà Nội để xét xử với tội danh phản quốc.

Câu chuyện này đã gây tranh cãi kéo dài nhất trong lịch sử rối rắm của phong trào dân tộc chủ nghĩa Việt Nam. Ngay từ đầu, nhiều đảng viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã nghi ngờ rằng người phản bội Phan Bội Châu thông báo cho người Pháp là Nguyễn Thượng Huyền, thư ký riêng của ông. Bản thân Phan Bội Châu cũng viết tương tự trong hồi ký của mình. Tuy nhiên, một số nguồn tin dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản lại cho rằng thủ phạm chính là người cộng sự gần gũi của Nguyễn Ái Quốc, ông Lâm Đức Thụ, hoặc thậm chí chính Nguyễn Ái Quốc đồng loã với ông Thứ cố tình phản bội Phan Bội Châu để giành tiền thưởng và tạo ra một vật hy sinh cho sự nghiệp dân tộc chủ nghĩa. Lời cáo buộc này cũng được một số cây viết phương Tây nhắc lại, dù không có bằng chứng cụ thể nào để khẳng định. Các nguồn tin cộng sản luôn luôn phủ nhận lời cáo buộc này, nhắc lại rằng âm mưu phản bội Phan Bội Châu là của Nguyễn Thượng Huyền, người cuối cùng đã rời bỏ phong trào cách mạng để làm việc cho Pháp.

Cuộc tranh cãi diễn ra chủ yếu là theo hướng ý thức hệ. Bằng chứng từ kho lưu trữ của Pháp không đưa ra kết luận dứt khoát, nhưng dường như cho rằng Nguyễn Ái Quốc không chịu trách nhiệm về vụ này. Cũng có những khả năng để buộc tội rằng Lâm Đức Thụ là chỉ điểm, vì khi là thành viên của Hội, ông đã là chỉ điểm rồi, và có tin rằng ông đã nhận trách nhiệm về hành động đó trong những năm về sau. Nhưng giả thuyết đó có thể không có cơ sở; một báo cáo của mật vụ viết tại thời điểm đó khẳng định rằng có một chỉ điểm Pháp – có thể, nhưng không chắc chắn là Nguyễn Thượng Huyền – đã sống với gia đình Hồ Hắc Lâm ở Hàng Châu. Ông ta có thể có các thông tin tốt hơn về phong trào của Phan Bội Châu và có thể cung cấp các thông tin đó cho người Pháp. Ông Thụ được nhiều người biết đến như một kẻ khoác lác và có thể đã nhận có dính líu đến vụ bắt giữ này để khuếch trương tầm quan trọng của bản thân. Rất có khả năng là ông Huyền đã phản bội Phan Bội Châu.

Trong tình huống nào đi nữa, khó có khả năng là Nguyễn Ái Quốc được lợi gì khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt. Điều này không có nghĩa là phủ nhận khả năng ông có thể phản bội nhà yêu nước cao tuổi này nếu ông tin rằng điều đó phục vụ lợi ích cách mạng. Giá trị của Phan Bội Châu rõ ràng đã bị hạn chế bởi tuổi tác, thiếu tinh tế chính trị và thái độ miễn cưỡng tán thành cách tiếp cận bạo lực. Vào năm 1925, ông rõ ràng là có giá trị như một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc hơn là một người thực sự tham gia phong trào kháng chiến và sự căm thù dấy lên ở Việt Nam do việc ông bị bắt và bị kết án có thể là hành động tuyên truyền nào đó cho sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, Hội cũng không chú trọng lắm đến tuyên truyền việc Phan Bội Châu bị bắt mà vẫn tiếp tục tập trung sự chú ý vào sự hy sinh anh dũng của Phạm Hồng Thái, cái chết của ông đã là phương tiện thúc đẩy chính cho việc giáo dục người mới tuyển ở Quảng Đông.

Liệu nhu cầu tài chính có thể là động cơ Nguyễn Ái Quốc trao Phan Bội Châu cho Pháp như một số người lập luận? Không thể bị phủ nhận hoàn toàn lời cáo buộc này bởi vì Nguyễn Ái Quốc chỉ có được nguồn tài trợ hạn hẹp của đảng Cộng sản Trung Quốc và đôi khi buộc phải dùng nguồn tài chính riêng để tiến hành các hoạt động của mình. Nhưng mặt khác, Nguyễn Ái Quốc chưa chắc đã dám mạo hiểm làm việc đó vì có thể chính người Pháp lại công khai tiết lộ âm mưu này và làm mất uy tín của Hội và ngưòi lãnh đạo bí mật của Hội. Xét cho cùng, ông chắc phải nhận thấy rằng việc Phan Bội Châu tự do sẽ có lợi hơn vì ông có thể đóng vai trò người đứng đầu không có thực quyền, một người đứng ở phía trước để kiểm soát trong một mặt trận thống nhất do những người cộng sản chiếm đa số. Điều đáng nói là trong các phát biểu đưa ra trong thời gian sống lưu vong cho đến cuối đời, Phan Bội Châu tiếp tục đánh giá cao Nguyễn Ái Quốc và không bao giờ nói công khai rằng ông có thể buộc trách nhiệm về việc mình bị bắt giữ ở Thượng Hải cho người đồng sự trẻ tuổi hơn này.

Phiên toà xử Phan Bội Châu được mở ở Hà Nội trước Uỷ ban Hình sự Hà Nội ngày 23 tháng 11 năm 1925. Bên bị được hai luật sư giúp đỡ, nhưng mặc dù có sự có mặt của một đám đông lớn biểu tình ủng hộ Phan Bội Châu – khi bên nguyên yêu cầu tử hình, một ông già thậm chí còn yêu cầu chết thay cho ông – ông phải nhận bản án chung thân khổ sai. Năm đó Phan Bội Châu 58 tuổi. Ngày hôm sau, biểu tình diễn ra trên toàn quốc và sinh viên ở Hà Nội in truyền đơn rải trên các đường phố. Vài ngày sau, một Toàn quyền mới đến Hà Nội. Là một đảng viên đảng Xã hội và là người chỉ trích chính sách thuộc địa của Pháp, ông A-lếch-xan-đơ Va-ren không hề mong muốn bắt đầu nhiệm kỳ của mình với một vụ tai tiếng như thế, và sau khi gửi một bức điện về Pháp để xin phép, tháng 12, ông giảm án cho Phan Bội Châu thành quản thúc tại nhà ở Huế.

Trước khi giảm án, Va-ren tìm cách dụ dỗ kẻ nổi loạn cao tuổi này hợp tác với chế độ thuộc địa. Ban đầu, Phan Bội Châu từ chối, nhưng sau này, ông dịu dần và mặc dù vẫn có quan hệ thường xuyên với các thành viên của phong trào dân tộc chủ nghĩa, thỉnh thoảng ông lại đưa ra các bài phát biểu trước sinh viên của trường Quốc học Huế, Phan Bội Châu ca ngợi chất lượng giáo dục cao của Pháp tại Đông Dương. Những bài phát biểu như vậy làm dấy lên sự giận dữ trong phong trào dân tộc chủ nghĩa và khiến Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Đông bình luận rằng đó là những “lời chẳng có nghĩa lý gì”. Theo thông tin của một chỉ điểm của Pháp, một số người dân tộc chủ nghĩa còn có cuộc tranh luận xem liệu có nên có hành động bạo lực chống lại ông không. Phan Bội Châu chết năm 1940.

Trong khi việc xét xử Phan Bội Châu đang được tiến hành, nhà cải cách cao tuổi Phan Châu Trinh trở về Đông Dương sau hơn một thập kỷ ở nước ngoài. Việc ông về đến Sài Gòn khiến cho dân chúng phấn khởi và các bài phát biểu của ông trong vài tháng sau đó với nội dung ủng hộ một chính sách cải cách phi bạo lực đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Khi ông chết vì bệnh ung thư ở tuổi 53, đám tang của ông đã trở thành dịp để dân chúng toàn quốc biểu lộ sự thương tiếc; hàng ngàn người xếp hàng trên các đường phố để nhìn quan tài của ông được đưa từ Sài Gòn tới khu nghĩa trang ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, ngoại vi phía bắc của thành phố. Nguyễn Ái Quốc rõ ràng không tán thành những hành động đông đảo như vậy với lý do là nó làm phân tán sự chú ý của công chúng vào những vấn đề quan trong hơn. Theo một báo cáo của mật vụ, khi ông nghe báo cáo về biểu tình xung quanh đám tang của Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét rằng có thể chúng đã được báo chí Pháp thổi phồng lên để làm bẽ mặt Toàn quyền Va-ren, người tìm cách làm cho chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương trở nên nhân đạo hơn.

Theo "Hồ Chí Minh - một cuộc đời", William Duiker, USA

Tương tự,  truyền thông ngoại quốc có rất nhiều những ấn phẩm, báo chí và phóng sự khẳng định điều này.






Một đoạn phim tài liệu bằng Tiếng Anh


Trong năm 2009 vừa qua, một nhóm người Việt ở nước ngoài đã công bố một bộ phim tài liệu mang tên "Sự thật về Hồ Chí Minh" do Linh mục Nguyễn Hữu Lễ khởi xướng và thực hiện cùng nhóm cộng tác của ông. Nhanh chóng  những thước phim này đã được cộng đồng mạng chuyền tay nhau, bởi sự cho phép phát tán rộng rãi của linh mục Nguyễn Hữu Lễ, đặc biệt qua mạng xã hội rộng lớn Youtube.


BBT Đàn Chim Việt Online nhận xét rằng

Đây là một bộ phim khá trung thực, dẫn chứng nhưng không bôi bác, được nhóm tổ chức dày công biên khảo, hy vọng sẽ được quảng bá sâu rộng trong cũng như ngoài nước để người Việt khắp nơi ý thức được mối hiểm họa mất nước cho bá quyền Trung quốc do sự hèn nhát của cầm quyền Cộng sản, một di sản bắt nguồn từ lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đây là một phim tài liệu mà mỗi gia đình Việt Nam cần nên lưu giữ, rất mong quý vị đọc giả hưởng ứng ủng hộ DVD này. Chúng tôi cũng mong bộ phim này sẽ được thực hiện bằng Anh ngữ hầu được quảng bá sâu rộng đến cộng đồng ngoại quốc cũng như con em sinh viên học sinh chúng ta.

Blog Tumasic cũng đưa các đoạn video đã được đăng lên Yuotube trong thời gian qua.





Đây là những thước phim quý giá, nó bao gồm nhiều thông tin thực sự về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời của ông với những tài liệu, nghiên cứu lâu dài của nhiều nhà khoa học và cả những nhân chứng.


Trong thước phim này, nhóm biên tập cũng có nhắc đến vấn đề " Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội Châu cho mật thám Pháp năm 1925".


Trái với sự công bố nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở trong nước, Nhà nước Việt Nam và hệ thống truyền thông không hề nhắc đến bất cứ điều gì mà chỉ là những điều tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt, trong năm vừa qua, Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Thông Tin Truyền Thông đã tổ chức " Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" rất rầm rộ.


Để hiểu thấu đáo về vấn đề này, đặc biệt là những người Việt Nam ở trong nước, cần có một cái nhìn khách quan, thoát ra khỏi tất cả những gì mình đã và đang được nghe để nhìn nhận khách quan mọi vấn đề được người khác nói đến. Sau đó, thì mỗi người sẽ tự có một kết luận cho riêng bản thân mình.

Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic 
© www.TUMASIC.tk 2009-2010


free geoip


2 nhận xét:

  1. Nặc danh26/1/10 19:59

    Ghê tởm.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh26/1/10 19:59

    tôi xem xong những thước phim "sự thật về hcm" mà thấy bàng hoàng. Không ngỡ lại như vậy.

    Trả lờiXóa

Petitions by Change.org|Start a Petition »
Kí tên đề nghị Liên Hợp Quốc đổi tên quốc tế của biển Đông từ "biển Nam Trung Hoa" thành "biển Đông Nam Á" trong cách gọi thông thường trên quốc tế.

Thống kê truy cập

Biểu tình:"TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO CÁC NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ"

1. Truyền thông tự do vì con người: Thượng tôn sự thật, Tôn trọng con người, Văn minh - Văn Hoá

2. Giữ gìn màu xanh và an ninh cho Việt Nam

"Gió thổi đốm lửa thành đám lửa; đám lửa thành đám cháy lan tỏa đốt cháy những gì hủ bại, dối trá và đánh bóng những giá trị chân thực. Bạn làm hại nhân dân Việt Nam thì hãy sợ Gió..."

Thông tin, bình luận trên blog Tumasic được tổng hợp, phân tích bởi Blogger Tumasic ( Blogger Gió Wind ) hoặc được đăng lại, trích dẫn từ các nguồn thông tin có ghi kèm theo.

Tumasic không giữ bản quyền bất kì nội dung nào trên blog Tumasic. Mọi người có thể trích đăng lại bất kì thành phần nào trên blog này ở một nơi khác mà không cần hỏi ý kiến, chỉ cần ghi nguồn là "Blog Tumasic" hoặc "Tumasic" hoặc "Blogger Tumasic".

Tumasic có toàn quyền xóa bỏ hay sửa đổi bất cứ nội dung nào theo mong muốn của Tumasic, mong muốn đó phù hợp với các tiêu chí 1. và 2. ở trên.

© Blogger Tumasic 2009-2010

Các địa chỉ truy cập blog Tumasic

www.tumasic.blogspot.com

www.tumasic.tk

www.tumasic.co.cc

Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic © www.TUMASIC.tk 2009-2010

Chân thành cảm ơn Google với dịch vụ Blogspot.com đã cung cấp nguồn lưu trữ cho blog này.

Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhà cung cấp tiện ích mà Blog Tumasic đã sử dụng.

Blogger Tumasic!

Liên lạc

E-mail: tumasic@gmail.com

Yahoo: tumasic (lưu ý, chỉ chat, không gửi e-mail tới địa chỉ này)