28 thg 4, 2010

225. "Chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30/04" VietTower ( Hà Nội ) treo nhầm biểu ngữ gây nhiều suy nghĩ nhân ngày 30/04.

TUMASIC.TK- Cư dân mạng đang rầm rộ lên trong những ngày kỉ niệm 30/04 ở Việt Nam, không phải vì sự kiện lịch sử này mà là vì sự sai sót của Tòa nhà VietTower ( Hà Nội ) khi treo biểu ngữ với nội dung "Chào mừng ngày giải phóng Thủ đô 30/04" tại trụ sở của mình. Rất nhiều ý kiến bàn tán xung quanh sự nhầm lẫn thú vị này.


Tấm biểu ngữ sai sót nội dung được treo tại tòa nhà VietTower vài ngày trong dịp kỉ niệm 30/04.

Độc giả của báo điện tử VnExpress khi gửi thông tin này về tòa soạn, anh Trần Ngọc Việt, đã nói rằng "Pano này cho thấy sự thiếu hụt kiến thức lịch sử cũng như sự tắc trách của những người liên quan".

Quả thật, nếu đúng là người ta viết như thế mà không nhằm mục đích gì thì sẽ là bằng chứng cho thấy lỗ hổng kiến thức lịch sử trong cả những người lớn tuổi, đã đi làm, chứ không nói gì đến học sinh, sinh viên.

Thành viên Tú Trung Hồ trên Facebook nói rằng "Hì... có nghĩa là mấy chục năm tuyên truyền, mọi cố gắng chính trị về ý nghĩa ngày 30/4 chả thấm vào đầu những người con của Hà Nội này."

Còn nếu nói "tắc trách của những người liên quan" thì lại là cả một câu chuyện thú vị để bàn.

Người ta nhớ lại sự kiện ngày 30/04 năm 1975 đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam. Xét về phía Đảng Cộng Sản Việt Nam, và như họ đã tuyên truyền suốt 35 năm qua, thì đây là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng xét về phía thân hữu của chính quyền Sài Gòn, thì đây lại là Ngày mất nước, Ngày quốc hận. Những người thuộc chế độ Sài Gòn ( Việt Nam Cộng Hòa ) hiện đang sống tản mác khắp nơi trên thế giới dưới danh nghĩa "tỵ nạn cộng sản" tại các xứ sở tự do, hoặc họ cũng đang ở trong nước, do không chạy kịp trong những đợt vượt biên trước đó.



Người Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại nhiều quốc gia trên thế giới biểu tình ngày "Quốc Hận" 30/04 chống đối sự hiện diện của chính quyền Việt Nam hiện tại.

Một số người nói rằng đây là dấu hiệu báo ngày kết thúc của "Quốc hận 30/04". Sài Gòn từng là thủ đô của chính quyền Sài Gòn. Thành viên Facebook Thomas Trung nói rằng "OK, Vay 30/4 nam nay co the la Quoc Han cuoi cung roi do. :D" còn bạn Nguyễn Đình Hà bình luận "đáng lẽ là ... sau chữ thủ đô kia fải có thêm đóng mở ngoặc "Việt Nam Cộng hòa" thì đúng :))"

Những ý kiến khác lại cho rằng "Có lẽ ngày 30/4 cũng chính là ngày giải phóng thủ đô Hà Nội đấy. Không có ngày các bạn ngoài ấy cứ bị gọi là Bắc Việt. Hai chữ này xét cho cùng, nghe quê bỏ mẹ", thành viên Đức Trần nói.

Có rất nhiều ý kiến được trao đổi một cách vui vẻ xung quanh "sự nhầm lẫn thú vị" này và mỗi người có những suy nghĩ riêng của mình.






ảnh: VnExpress

Cũng trong dịp kỉ niệm 30/04, xin giới thiệu một suy nghĩ về ngày này của Trần Bình Nam

Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4

Ba mươi lăm năm trước, vào ngày 30-4, cuộc chiến tranh nóng Bắc - Nam kéo dài 10 năm (1965-1975) chấm dứt. Hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ nước ra đi. Sĩ quan, công chức cao cấp của chế độ miền Nam đi tù, tạo nên cảnh ly tán trong gia đình và xã hội.

Đó là hậu quả của chiến tranh mà lịch sử nước nào cũng có lần phải trải qua. Nếu hôm nay, sau 35 năm hoà bình, chính quyền cộng sản đã thành công xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, bên trong có nội lực bảo vệ quốc gia, bên ngoài được sự kính nể của thế giới thì có lẽ những người Việt không may (hay may mắn tuỳ theo quan niệm mỗi người) sống xa quê hương sẽ chấp nhận cơn đau của lịch sử, yên tâm xây dựng tương lai cho con cháu ở nước ngoài, và lòng cùng hướng về quê hương đất nước.

Không may, Việt Nam hôm nay không được như vậy. Xã hội xuống cấp trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến đạo đức, dân tình ly tán, uy tín trên trường quốc tế suy đồi, và sự vẹn toàn lãnh thổ đang bị đe doạ. Với biển rộng, sông dài, núi non hùng vĩ, đất đai thiên nhiên phong phú và con người không thua kém Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Mã Lai… mà sau 35 hoà bình chúng ta không làm được như các nước đó đã làm thì hiển nhiên người cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc xây dựng đất nước phú cường như mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc” họ nêu ra từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập.

Về phía người quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản rời bỏ quê hương thì sau 35 năm sống trong môi trường tự do dân chủ, thành công cá nhân thì có nhưng thành công tập thể thì không. Hơn 3 triệu người Việt sống ở hải ngoại chưa xây đựng được sức mạnh cộng đồng có khả năng ảnh hưởng đến thái độ và chính sách của người cầm quyền trong nước.

Như vậy sự bế tắc của đất nước Việt Nam hôm nay không phải chỉ do người cộng sản bất tài hay người quốc gia bất trí mà có thể còn do những lý do khác sâu xa hơn.

Người ta thường nói đến hậu quả của cuộc chiến tranh 9 năm giành độc lập (1945-1954) và tiếp theo là cuộc chiến tranh Bắc – Nam quá dài và quá đẫm máu như một trong những lý do chính. Nhưng chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 cũng khốc liệt và sự tàn phá trong trận Thế giới Chiến tranh II cũng đã để lại một nước Nhật hoang tàn. Thế nhưng sau vài chục năm Nam Hàn và Nhật Bản đã có thể hồi sinh.

Vì vậy cần tìm nguyên nhân của vấn nạn Việt Nam hôm nay trong chính con người Việt Nam chứ không nên đi tìm đâu xa xôi trong “chủ nghĩa”, trong “chiến tranh lạnh” hay trong thế kẹt “nước lớn, nước nhỏ”.

Về con người, chúng ta có nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm.

Khuyết điểm này do giòng giống hay là hậu quả của một nền giáo dục thiếu căn bản quá lâu qua nhiều thế kỷ? Câu trả lời xin dành cho các nhà nghiên cứu.

Một điều chúng ta có thể khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Rất tiếc hình như nhiều người Việt Nam chỉ biết đầu tư sự thông minh và tính cần cù cho cá nhân chứ không đầu tư cho tương lai của đất nước. Do đó chúng ta thiếu người lãnh đạo có tầm vóc. Chúng ta có tinh thần vọng ngoại và ít tin tưởng vào chính mình. Chúng ta chạy theo những cái đang lên và coi thường những thế lực đang xuống. Nói đơn giản chúng ta không có cái nhìn xa, và do đó chúng ta không có chính sách.

Vào đầu thế kỷ 20, trước sự du nhập của văn hoá phương Tây và sự lu mờ của nước Trung Hoa phương Bắc người trí thức Việt Nam chúng ta chỉ biết cóp nhặt văn hoá châu Âu vô điều kiện và chúng ta coi thường người Tàu đang lép vế trước sức mạnh cơ khí Tây phương. Chúng ta quên phức sự thật là văn hoá Trung Quốc đã yên vị lâu đời trong đầu mỗi người Việt. Và chỉ chờ thời điểm (như hôm nay) là họ nắm cổ toàn bộ vận mạng của nước Việt Nam.

Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam có nhiều khuyết điểm đưa đến thất bại, nhưng chưa chắc quyết định chiến lược can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một quyết định sai lầm. Nhưng phía miền Nam chúng ta – vì thiếu người tài, vì thiếu chí - đã không lợi dụng cơ hội để xây dựng một miền Nam tự túc về kinh tế và đặt một nền móng cho sự canh tân đất nước. Cho nên khi người Mỹ nhận ra rằng miền Nam không phải là một đồng minh có bản lãnh họ đi tìm một sách lược khác và bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn.

Miền Bắc Việt Nam cũng không khá gì hơn. Hà Nội chạy theo một lý thuyết kinh tế lỗi thời làm thui chột kinh tế miền Bắc, và trước áp lực của Liên Bang Xô Viết dồn mọi tiềm năng nhân lực cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa mà họ nhất định phải thắng “dù phải đốt cháy cả dãyTrường Sơn”!

Miền Bắc toàn thắng. Việt Nam thống nhất trong điêu tàn. Và khi người đồng minh Liên Bang Xô Viết sụp đổ không đủ sức viện trợ kinh tế như Hà Nội chờ đợi, Việt Nam chỉ còn một con đường là lệ thuộc vào Trung Quốc. Và loay hoay, sau 35 năm hoà bình, Việt Nam lại rơi một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu được một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Biến chuyển lớn nhất của thế kỷ 21 là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung Quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới trong thế kỷ này.

Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.

Quan sát tình hình Á Châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc đe doạ bởi một chương trình xâm thực có bài bản và Việt Nam đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung Quốc.

Chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng chủ yếu là Ấn Độ, Nhật Bản và khối ASEAN, nhưng quan trọng hơn hết là một chính sách ngoại giao khéo léo đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.

Nhưng muốn có một chính sách, Việt Nam cần hai điều kiện. Thứ nhất là khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ cái ăn và cái mặc mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.

Thứ hai là một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “chí” qua sự đào tạo những con người Việt Nam. Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp sơ học cho đến cấp trung học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị Việt Nam, những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi lãnh đạo các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của Việt Nam là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là một chính sách quốc gia.

Sau 35 năm hoà bình, Việt Nam chưa hoàn hồn vì cơn bão của thế kỷ 20, thì nay lại đang đứng trước sự đe doạ của một cơn bão khác hứa hẹn có sức tàn phá hơn.

Nhưng không phải chúng ta không có con đường thoát hiểm. Nếu chúng ta biết học bài học tự cường của nước Nhật, biết học bài học đùm bọc yêu thương nhau trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của nước Đức, và trên hết – người cầm quyền - biết huy động nội lực dân tộc qua một chương trình chấn hưng văn hoá có nội dung tôn trọng dân chủ và nhân quyền.

Trần Bình Nam
April 24, 2010
binhnam@sbcglobal.net


Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic
© www.TUMASIC.tk 2009-2010




analyze web stats

4 nhận xét:

  1. Cũng có khi kiểu "xin lỗi...cố ý..." đấy! tui cũng thường chơi kiểu này!

    Trả lờiXóa
  2. Hé, hé, như Ngô Quang Kiệt nói "Con người tò mò vấp phải sự bí mật nên càng suy đoán."

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh30/4/10 08:31

    Sax! nói như thèn phản động, nhìn mấy cái ảnh muốn xả cho một băng rồi. Nói thì giỏi, ngon làm đi!

    Trả lờiXóa
  4. Xả gì? Làm gì? Dỡ tấm biểu ngữ à?

    Trả lờiXóa

Petitions by Change.org|Start a Petition »
Kí tên đề nghị Liên Hợp Quốc đổi tên quốc tế của biển Đông từ "biển Nam Trung Hoa" thành "biển Đông Nam Á" trong cách gọi thông thường trên quốc tế.

Thống kê truy cập

Biểu tình:"TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO CÁC NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ"

1. Truyền thông tự do vì con người: Thượng tôn sự thật, Tôn trọng con người, Văn minh - Văn Hoá

2. Giữ gìn màu xanh và an ninh cho Việt Nam

"Gió thổi đốm lửa thành đám lửa; đám lửa thành đám cháy lan tỏa đốt cháy những gì hủ bại, dối trá và đánh bóng những giá trị chân thực. Bạn làm hại nhân dân Việt Nam thì hãy sợ Gió..."

Thông tin, bình luận trên blog Tumasic được tổng hợp, phân tích bởi Blogger Tumasic ( Blogger Gió Wind ) hoặc được đăng lại, trích dẫn từ các nguồn thông tin có ghi kèm theo.

Tumasic không giữ bản quyền bất kì nội dung nào trên blog Tumasic. Mọi người có thể trích đăng lại bất kì thành phần nào trên blog này ở một nơi khác mà không cần hỏi ý kiến, chỉ cần ghi nguồn là "Blog Tumasic" hoặc "Tumasic" hoặc "Blogger Tumasic".

Tumasic có toàn quyền xóa bỏ hay sửa đổi bất cứ nội dung nào theo mong muốn của Tumasic, mong muốn đó phù hợp với các tiêu chí 1. và 2. ở trên.

© Blogger Tumasic 2009-2010

Các địa chỉ truy cập blog Tumasic

www.tumasic.blogspot.com

www.tumasic.tk

www.tumasic.co.cc

Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic © www.TUMASIC.tk 2009-2010

Chân thành cảm ơn Google với dịch vụ Blogspot.com đã cung cấp nguồn lưu trữ cho blog này.

Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhà cung cấp tiện ích mà Blog Tumasic đã sử dụng.

Blogger Tumasic!

Liên lạc

E-mail: tumasic@gmail.com

Yahoo: tumasic (lưu ý, chỉ chat, không gửi e-mail tới địa chỉ này)