Được biết mạng xã hội này được xây dựng chỉ trong 75 ngày trước đó và hiện tại đang trong thời gian thử nghiệm.

Với mục tiêu trở thành "Ngôi nhà chung của người Việt Nam", liệu trang GoOnline có đáng tin cậy cho đa số mọi người?
Giới truyền thông nước ngoài và các thành phần truyền thông trong nước không do Nhà nước quản lý bày tỏ lo ngại trong bối cảnh chính phủ Việt Nam cho ra mắt trang mạng này sau khi ngăn chặn việc truy cập mạng xã hội toàn cầu Facebook từ Việt Nam, tấn công các trang mạng, blog cá nhân có nội dung chính trị, tôn giáo trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 vừa qua.
Có thể hiểu, đây là cách "quản lý tập trung" về nội dung các thông tin được đăng tải trên mạng, nhằm định hướng luồng thông tin cho người Việt Nam khi truy cập internet tìm kiếm thông tin.

Mặc dù truyền thông chỉ là một mảng trong lĩnh vực hoạt động của mạng xã hội GoOnline nhưng các tin tức được những người quản lý lựa chọn, tức là được kiểm duyệt bởi Nhà nước, sẽ lại luôn luôn được đăng trên trang đầu. Đây có phải là chiêu thức đánh lừa, để người ta hiểu nhầm đây là mạng xã hội chủ yếu cung cấp các dịch vụ giải trí, giáo dục, ...?
Dĩ nhiên, chỉ cần đề ý một chút, người ta sẽ thấy ngay được mục đích "định hướng thông tin" đối với người Việt Nam khi thành lập trang này.
Ngay từ mục đích của việc tung ra trang mạng này, người ta đã có nhiều nghi vấn.
Hơn nữa, trong thời gian mà hàng trăm trang mạng, blog cá nhân bị đánh sập trong thời gian qua, thì điều mà người ta quan tâm chính là vấn đề bảo mật và an ninh đối với thông tin cá nhân của mình, địa chỉ IP được lưu lại sau mỗi lần truy cập sẽ được sử dụng thế nào?
Như vậy, theo như thỏa thuận với VTC, mà người ta buộc phải chấp thuận mới được sử dụng mạng xã hội GoOnline, các thông tin cá nhân của người sử dụng, kể cả địa chỉ IP cũng sẽ được cung cấp cho cơ quan công an khi họ yêu cầu.
Mặc dù là "theo quy định pháp luật", nhưng các cá nhân bất đồng chính kiến vẫn có điều đáng để lo ngại khi quyết định sử dụng dịch vụ này. Bởi vì, từ trước tới nay, họ luôn bị công an và chính quyền cho là "các thế lực phản động", hoạt động vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Điều dễ thấy là nhiều người đã bị kết luận là chống Nhà nước vì các bài viết trái quan điểm với những người lãnh đạo, điều mà họ hoàn toàn có thể có được và là quyền đã được công nhận. Mới đây, nhà báo tự do, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã bị cắt quyền sử dụng internet và điện thoại cũng với lí do tương tự. Điều này càng làm dấy lên lo ngại, trong môi trường thông tin bị hạn chế hiện nay ở Việt Nam, một quốc gia độc tài.
Đặc biệt, trong cuộc họp mới đây của báo chí toàn quốc, trung tướng công an Vũ Hải Triều đã tuyên bố "bộ phận kĩ thuật của ta đã phá sập 300 trang mạng và blog cá nhân có nội dung xấu". Nội dung xấu ở đây được đề cập đến bao gồm cả các nội dung có chứa yếu tố chính trị trái quan điểm với lãnh đạo Việt Nam.

Lời tuyên bố này lại càng cho thấy rõ sự "xâm phạm quyền tự do thông tin và bí mật thư tín" của công an Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam. May mắn là lời phát biểu nội bộ đó đã được thông tin ra ngoài, nếu không thì Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục phản bác các cáo buộc của Google và McCafe về việc sử dụng tin tặc để tấn công các trang mạng, blog, e-mail với mục đích chính trị là "không có cơ sở" , theo lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga, hay là "quá vội vàng", theo lời ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc trung tâm BKAV.
Điều này càng ảnh hưởng xấu tới uy tín của giới lãnh đạo Việt Nam trước người dân và thế giới.
Như vậy, mục tiêu trở thành "Ngôi nhà chung của người Việt Nam" của mạng xã hội GoOnline có lẽ sẽ khó trở thành hiện thực bởi mức độ đáng tin cậy của nó không cao, nếu không muốn nói là quá thấp, không đủ thuyết phục khi người chủ trương thành lập ra nó là những người đã "đánh sập 300 trang mạng và blog cá nhân" trong khi vẫn khăng khăng chối là mình không làm.
Mức độ tin cậy đó có lẽ chỉ đủ để lôi kéo sự quan tâm của người ta, rồi sau đó tỉ lệ sử dụng sẽ không cao, bởi vì họ không thể trao niềm tin vào nơi do những người như vậy chủ trương sáng lập bởi vì "Người ta lo sợ là trang mạng xã hội riêng sẽ là một cách kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn để công an theo dõi dân VN" chứ không phải nhằm mục đích phục vụ "tập trung vào giao tiếp, giải trí, giáo dục và tương tác".
Khẳng định tầm quan trọng của mạng xã hội quốc gia này, ông Lê Doãn đã nói "Không thể nói một quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin mà lại không có mạng chủ lực của mình". Tuy nhiên, khi được câu hỏi ngược lại là tại sao Hoa Kì là quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin lại không có trang mạng chủ lực của riêng mình, ông Doãn đã không trả lời được.
Mặt khác, khi nói về vấn đề chính quyền Việt Nam ngăn chặn truy cập mạng xã hội Facebook như là cách để thu hút sự chú ý của người dân về với mạng xã hội trong nước để tạo tiền đề cho sự phát triển của mạng xã hội mới được công bố này, báo chí Tây phương cho rằng đó là quyết định sai lầm, gây ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.
Như vậy, khẳng định của ông Lê Doãn đã sai, và đã được chứng tỏ khi báo chí đặt câu hỏi phản bác lại như đã nói, bước đi chuẩn bị của việc ra mắt này càng sai lầm.
Đó có phải là bước đi để phát triển ngành công nghệ thông tin của nước nhà hay không khi mà việc tự do thu thập, phổ biến, tìm kiếm, trao đổi thông tin trên mạng internet bị hạn chế bởi những quyền lực của các nhà lãnh đạo độc tài?
Một trang mạng xã hội được xây dựng dựa trên những sai lầm nối tiếp nhau, dựa trên việc hạn chế quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận và dựa trên mực độ tin cậy ở cấp thấp như vậy có thể phát triển mạnh mẽ bởi sự ủng hộ, sử dụng của người Việt Nam?
Chúng ta cùng đón chờ, như đón chờ kết quả của VnPlus của Yahoo! Việt Nam, Yume của Zing, những trang mạng xã hội do Nhà nước tung ra nhằm quản lí, định hướng cho người dân đã nhận lấy sự thất bại khi không có người sử dụng một cách tích cực mặc dù số lượng tài khoản đăng kí là rất lớn, tới hàng chục triệu, trong khi dân số Việt Nam ở mức khoảng 90 triệu.


Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét