18 thg 1, 2010

88. Trung Quốc là gì của Việt Nam?

TUMASIC.TK-Từ xưa đến nay, quan hệ Việt-Trung luôn phức tạp. Để có chiến lược ứng xử thích hợp, đã đến lúc phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trung Quốc là gì của Việt Nam?




Hôm qua bản tin thời sự VTV1 phủ sóng toàn quốc giành hẳn 15 phút hơn để phát 1 bản tin chúc mừng 60 quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc , trong đó cô phát thanh viên liên tục ca ngợi mối quan hệ  " đồng chí , anh em , bạn bè "  mà nói như kiểu sợ còn thiếu nên cứ phải nói hết.




Toàn văn điện mừng 60 năm quan hệ Việt - Trung của hai quốc gia (theo VTV)

Định vị lại Trung Quốc

Khi xem xét chiến lược ứng xử với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, với Việt Nam, Trung Quốc đồng thời là: người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết và đối thủ nguy hiểm.

Nhìn vào lịch sử quan hệ và những ảnh hưởng qua lại giữa hai nước, thì thấy rằng Trung Quốc đã từng đóng tất cả các vai ấy trong mối quan hệ thăng trầm với Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nếu coi đây là xuất phát điểm cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc thì cần phải xem xét lại.

Nếu coi Trung Quốc là người thầy vĩ đại, thì sẽ có xu hướng bắt chước thầy, chịu sự chỉ dẫn của thầy với tư cách học trò. Khi xảy ra tranh chấp, điều đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thì trò khó lòng có thể thắng được thầy.

Còn nếu coi Trung Quốc vừa là người bạn thân thiết, vừa là đối thủ nguy hiểm thì lại tự mâu thuẫn nhau. Đã là bạn thì không thể là kẻ thù, vì cơ sở của tình bạn là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn đã coi nhau là kẻ thù thì không thể là bạn.

Nếu coi Trung Quốc vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là đối thủ của Việt Nam, tất yếu dẫn đến những lúng túng và yếu thế trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Nói cách khác là gây ra bối rối ngay từ khâu lên kế hoạch, nên thua thiệt là điều khó tránh khỏi.

Một nhận định khác cũng thường được nói đến nhiều: Trung Quốc và Việt Nam là anh em "môi hở răng lạnh". Việc tự coi mình là em đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc, tất yếu sẽ rất đến những thua thiệt trong ngoại giao, trao đổi văn hóa, thương mại, thậm chí cả trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, v.v.

Vậy Trung Quốc là gì của Việt Nam?

Đối tác bình đẳng

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết rằng:

"Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."

Qua đó có thể thấy, Nguyễn Trãi không coi Trung Quốc là thầy, bạn, hay kẻ thù hoặc kết hợp của cả ba thứ này. Nguyễn Trãi cũng không coi Trung Quốc là anh em với Việt Nam. Ông chủ trương Trung Quốc là một đối tác độc lập, bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.

Đây là chiến lược sáng suốt của Nguyễn Trãi, dù ra đời đã gần 600 năm. Chủ trương này vẫn còn là kim chỉ nam cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc ngày nay, không chỉ trong quan hệ ngoại giao, mà còn cả trong trao đổi văn hóa, thương mại, v.v.

Trong ngoại giao, việc xác định Trung Quốc là đối tác bình đẳng sẽ giúp định ra các chính sách và thái độ ngoại đúng đắn, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, nhất là khi tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.

Trong văn hóa, việc coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải là người thầy, bạn bè, đối thủ hay bậc đàn anh sẽ giúp Việt Nam giữ được bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn sàng lọc được những điều hay cần học hỏi.

Trong mậu dịch, Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc: cán cân thương mại Trung Quốc-Việt Nam đang có những mất cân đối nghiêm trọng. Nhập siêu từ Trung Quốc đang ở mức đáng lo ngại và tăng liên tục: ước tính khoảng 11 tỷ USD năm 2008, so với 200 triệu USD năm 2001. Cơ cấu mậu dịch cho thấy Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, ước tính khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhập về chủ yếu hàng công nghiệp. Do đó cần phải có chiến lược điều chỉnh thích hợp, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ngang hàng với Việt Nam.

Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện từ xuất phát điểm: coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em của Việt Nam.

Việc coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng còn giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của hệ thống pháp lý và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các nước đều bình đẳng trước các cam kết và hệ thống pháp lý quốc tế. Và cộng đồng thế giới ủng hộ sự bình đẳng này.

Do đó, Việt Nam cần phải nương vào nguyên tắc bình đẳng và sự hỗ trợ này để vươn lên vị trí bình đẳng toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.

Bước vào thập kỉ mới - thập kỉ bản lề ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc - câu hỏi Trung Quốc là gì của Việt Nam cần phải được trả lời dứt khoát: Trung Quốc là đối tác bình đẳng với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em như nhiều người đã và đang nghĩ.

Giáp Văn Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không thể hiện quan điểm của Blog Tumasic)

Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt - Trung

Trong thời đại ngày nay, về phương diện phát triển kinh tế, khí phách Nguyễn Trãi được thể hiện ở quan hệ ngoại thương hàng ngang giữa hai nước Việt Trung. Việt Nam phải từng bước thoát ly khỏi tính chất bắc nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc.

Từ khoảng năm 2000 cán cân thương mại của Việt Nam ngày càng nhập siêu. Quy mô nhập siêu lớn đến nỗi gây bất ổn trong kinh tế vĩ mô từ năm 2007. Một trong mấy nguyên nhân chính của hiện tượng nhập siêu này có thể thấy trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc. Quyết tâm thay đổi cơ cấu này không những cải thiện được cán cân thương mại bất quân bình trầm trọng hiện nay mà còn là con đường để Việt Nam phát triển, tiến lên ngang hàng với trình độ phát triển của nước láng giềng phương bắc.

Tính chất "Bắc - Nam" trong quan hệ kinh tế Việt Trung

Từ thập niên 1950, một tiêu điểm nổi lên trong quan hệ kinh tế quốc tế là vấn đề Bắc - Nam. Các nước phát triển hầu hết là ở bắc bán cầu, các nước chậm tiến ở phía nam. Vấn đề ở chỗ là khoảng cách phát triển giữa Bắc và Nam ngày càng mở rộng. Làm sao để các nước phía Nam phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước phía Bắc là quan tâm chung của cộng đồng thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.

Sự cách biệt kinh tế giữa các nước phía Bắc với các nước phía Nam phản ảnh rõ nét trong quan hệ ngoại thương. Các nước phía Bắc xuất khẩu hàng công nghiệp còn các nước phía Nam xuất khẩu nguyên liệu, các hàng nông, lâm, thuỷ sản ở dạng thô hoặc sơ chế.

Quan hệ buôn bán giữa Bắc với Nam với đặc tính như vậy còn được gọi là ngoại thương theo hàng dọc (vertical trade). Do đó, quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển để giải quyết vấn đề Bắc Nam cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của các nước phía Nam để các nước nầy ngày càng xuất khẩu hàng công nghiệp sang phía Bắc, chuyển từ ngoại thương hàng dọc sang ngoại thương hàng ngang (horizontal trade).

Trong khoảng 35 năm qua, một số nước ở phía Nam đã làm được một kỳ tích là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với phía Bắc, thay đổi hẳn quan hệ ngoại thương từ hàng dọc sang hàng ngang với các nước phía Bắc.

Hiện tượng này diễn ra ngoạn mục nhất là tại các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gọi chung là Đông Á. Tại đây, ngoài Nhật Bản, một nước vừa thuộc phía Bắc vừa là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, hầu hết các nước Đông Á khác cho đến thập niên 1970 điển hình là những nước ở phía Nam mà quan hệ của họ với Nhật, Mỹ và các nước phía Bắc khác mang nặng tính chất ngoại thương hàng dọc. Chẳng hạn, mới gần 30 năm trước đây, vào năm 1980, cơ cấu xuất khẩu của các nước ASEAN còn nghiêng về các mặt hàng nguyên liệu và nông lâm thuỷ sản: Tỉ lệ của các mặt hàng này trong tổng xuất khẩu của Thái Lan và Phi-li-pin còn chiếm tới 60%, Malaysia 70% và Indonesia hơn 90%. Nhưng chưa đầy 20 năm sau, vào năm 1999, các tỉ lệ đó chỉ còn 23% tại Thái Lan, 18% tại Malayxia, 7% tại Phi-li-pin và 47% tại Indônêxia. Hiện nay các nước này đã trở thành những nước xuất khẩu hàng công nghiệp đáng kể trên thế giới.

Quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc mới 20 năm trước đây còn là quan hệ Bắc - Nam. Trước năm 1990, hàng nguyên liệu và các sản phẩm nông lâm thuỷ sản còn chiếm trên 50% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên tỉ lệ này giảm nhanh trong thập niên 1990, còn 23% vào năm 1995 và chỉ còn 17% vào năm 2000.

Nói khác đi, hiện nay hàng công nghiệp chiếm tới hơn 80% tổng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Nhật (trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc ra tất cả thị trường thế giới, tỉ lệ của hàng công nghiệp hiện nay đã tăng lên trên 90%).

Có thể nói trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển đổi quan hệ ngoại thương với một nước công nghiệp tiên tiến có quá trình phát triển hơn 100 năm và là một nước vốn phụ thuộc vào tài nguyên của các nước phía Nam.

Bây giờ chúng ta xét quan hệ ngoại thương hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có ba đặc tính đáng chú ý:

Thứ nhất, Việt Nam ngày càng nhập siêu với Trung Quốc. Kim ngạch nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tăng từ khoảng 200 triệu USD năm 2001 lên 1,4 tỉ năm 2003, gần 7 tỉ năm 2007 và độ 11 tỉ USD năm 2008. Năm 2008, nhập siêu với Trung Quốc chiếm tới 60% tổng nhập siêu của Việt Nam đối với toàn thế giới. Do đó, cải thiện quan hệ ngoại thuơng với Trung Quốc là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng mất quân bình trầm trọng hiện nay trong cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, so với quy mô ngoại thương giữa hai nước Việt - Trung, kim ngạch nhập siêu nói trên cũng quá lớn, lớn một cách dị thường. Chẳng hạn vào năm 2008, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 4,3 tỉ trong khi nhập từ Trung Quốc tới 15,1 tỉ USD. Nhập khẩu lớn gấp 4 lần xuất khẩu và nhập siêu lên tới mức bằng 3 lần kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng rất chậm, từ năm 2001 đến 2008 chỉ tăng 3 lần (từ 1,4 tỉ tăng lên 4,3 tỉ USD), trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng ồ ạt, từ 1,6 tỉ lên 15,1 tỉ trong cùng thời gian.

Ngoài ra, mậu dịch ở biên giới chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều điều tra sơ bộ cho thấy hàng lậu nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Nếu mậu dịch biên giới được phản ảnh, có lẽ kim ngạch nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.

Thứ ba, quan sát mặt cơ cấu ta thấy nổi cộm lên tính chất bắc nam trong quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc sản phẩm thô hoặc sơ chế khai thác từ các quặng mỏ. Năm 2007, riêng dầu thô, than đá đã chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nếu kể thêm cao su, gỗ, rau quả, trà, cà phê và những sản phẩm thô sơ khác, tỉ lệ đó lên tới 80%. Hàng công nghiệp chỉ chiếm độ 20%.

Cơ cấu ngoại thương Việt Trung như vừa thấy gợi ta nhiều suy nghĩ. Đây là một quan hệ ngoại thương Bắc - Nam điển hình, một quan hệ mậu dịch hàng dọc thường thấy giữa một nước tiên tiến và một nước chậm phát triển.

Cần xác lập tinh thần Nguyễn Trãi

Phân tích ở trên cho thấy vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải làm sao tiến lên giai đoạn phân công hàng ngang trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc. Nói khác đi, Việt Nam phải sản xuất ngày càng nhiều các mặt hàng công nghiệp đủ sức cạnh tranh để thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và thâm nhập được vào thị truờng rộng lớn này. Có như vậy mới thoát khỏi tính chất Bắc - Nam hiện nay và cải thiện được cán cân mậu dịch.

Về chiến lược và biện pháp cụ thể liên quan đến việc phát triển công nghiệp Việt Nam, tôi đã có dịp trình bày trong cuốn sách xuất bản vài năm trước đây (Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2005, NXB Trẻ tái bản năm 2006).

Ở đây tôi muốn kết nối kết quả phân tích này với một vấn đề thời sự đang được chú ý ở Việt Nam. Gần đây, dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên đã được chính phủ quyết định tiến hành khai thác thí điểm. Nhìn từ góc độ gìn giữ môi trường, hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có ý kiến không đồng tình với việc khai thác này.

Theo tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên, sau giai đoạn thí điểm, nếu thực hiện trên quy mô lớn sẽ bất lợi cho con đường phát triển của Việt Nam. Không kể đến những điểm đã được các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá bàn đến, việc khai thác tài nguyên để xuất khẩu không phải là chính sách khôn ngoan.

Xưa nay những nước phát triển được đều là những nước biết dùng tài nguyên chứ không phải biết khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Khôn ngoan nhất (như Nhật hoặc Hàn Quốc) là khai thác hoặc mua nguyên liệu ở nước ngoài mang về nước mình chế biến thành những sản phẩm công nghiệp có giá trị. Các sản phẩm dùng nhiều tài nguyên càng về hạ nguồn càng có giá trị tăng thêm cao nên những nước đó phát triển nhanh. Chí ít là khai thác và chế biến tài nguyên, dùng ngay tại nước mình để sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có giá trị tăng thêm cao (như kinh nghiệm của Mỹ và nhiều nước Tây Âu).

Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên còn có một đặc tính nữa là trong quá trình khai thác có sự tham gia của các công ty Trung Quốc và sản phẩm bô xít khai thác ra sẽ được bán sang Trung Quốc. Như vậy thì dự án này sẽ làm mạnh thêm tính chất Bắc - Nam trong quan hệ ngoại thương giữa hai nước, một khuynh hướng hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam.

Sau khi thắng giặc Minh, giành lại chủ quyền cho đất nước, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi nhấn mạnh thực thể độc lập, hiên ngang của nước Đại Việt, một đất nước đã sánh vai được với cường quốc phương bắc:


Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước


Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương...

Trong thời đại ngày nay, về phương diện phát triển kinh tế, khí phách Nguyễn Trãi được thể hiện ở quan hệ ngoại thương hàng ngang giữa hai nước Việt Trung. Việt Nam phải từng bước thoát ly khỏi tính chất bắc nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc.

Cũng theo Nguyễn Trãi, so với Trung Quốc, nước Đại Việt trước đây "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt không bao giờ thiếu". Rất mong Việt Nam ngày nay cũng không thiếu "hào kiệt".

GS. Trần Văn Thọ


(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Không thể hiện quan điểm của Blog Tumasic)

Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic 
© www.TUMASIC.tk 2009-2010




web server stats

Bài đăng này là gộp hai bài viết đăng trên TuanVietNam của VNN.

1 nhận xét:

  1. Nặc danh21/2/10 22:20

    cam on gs Tran van Tho da co nhung phan tich moi quan he viet nam voi trung quac rat hay.

    Trả lờiXóa

Petitions by Change.org|Start a Petition »
Kí tên đề nghị Liên Hợp Quốc đổi tên quốc tế của biển Đông từ "biển Nam Trung Hoa" thành "biển Đông Nam Á" trong cách gọi thông thường trên quốc tế.

Thống kê truy cập

Biểu tình:"TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO CÁC NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ"

1. Truyền thông tự do vì con người: Thượng tôn sự thật, Tôn trọng con người, Văn minh - Văn Hoá

2. Giữ gìn màu xanh và an ninh cho Việt Nam

"Gió thổi đốm lửa thành đám lửa; đám lửa thành đám cháy lan tỏa đốt cháy những gì hủ bại, dối trá và đánh bóng những giá trị chân thực. Bạn làm hại nhân dân Việt Nam thì hãy sợ Gió..."

Thông tin, bình luận trên blog Tumasic được tổng hợp, phân tích bởi Blogger Tumasic ( Blogger Gió Wind ) hoặc được đăng lại, trích dẫn từ các nguồn thông tin có ghi kèm theo.

Tumasic không giữ bản quyền bất kì nội dung nào trên blog Tumasic. Mọi người có thể trích đăng lại bất kì thành phần nào trên blog này ở một nơi khác mà không cần hỏi ý kiến, chỉ cần ghi nguồn là "Blog Tumasic" hoặc "Tumasic" hoặc "Blogger Tumasic".

Tumasic có toàn quyền xóa bỏ hay sửa đổi bất cứ nội dung nào theo mong muốn của Tumasic, mong muốn đó phù hợp với các tiêu chí 1. và 2. ở trên.

© Blogger Tumasic 2009-2010

Các địa chỉ truy cập blog Tumasic

www.tumasic.blogspot.com

www.tumasic.tk

www.tumasic.co.cc

Blog chính trị-xã hội...Ra đời ngày 24/11/2009...Bởi Blogger Tumasic © www.TUMASIC.tk 2009-2010

Chân thành cảm ơn Google với dịch vụ Blogspot.com đã cung cấp nguồn lưu trữ cho blog này.

Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhà cung cấp tiện ích mà Blog Tumasic đã sử dụng.

Blogger Tumasic!

Liên lạc

E-mail: tumasic@gmail.com

Yahoo: tumasic (lưu ý, chỉ chat, không gửi e-mail tới địa chỉ này)