Theo Phòng quản lý Tài nguyên Môi trường quận Thủ Đức thì kênh Ba Bò dài khoảng 1,7 km, rộng trung bình chỉ 1,5 m chảy ngang qua địa phận tỉnh Bình Dương và phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức). Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng nhiều chính là người dân ở phường Bình Chiểu.
Theo báo cáo trên, “hàm lượng vi sinh tăng từ 40 - 70 lần đã cho thấy nước ở đây nhiễm vi sinh ngày càng cao”.
Kết quả phân tích mẫu nước lấy dọc kênh Ba Bò đã đưa ra con số giật mình: vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 11.000 lần (so với tiêu chuẩn nước mặt, loại B). Còn so với tiêu chuẩn VN dành cho nước thủy lợi (cho vùng đất trồng rau và các loại thực vật khác dùng ăn tươi, sống) thì loại vi sinh fecal coliform - nguy cơ gây các bệnh đường tiêu hóa - vượt tiêu chuẩn cho phép từ 450 lần trở lên. Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cảnh báo: “đây là vấn đề đáng quan tâm nhất và cần thiết phải cảnh báo, vì diện tích đất nông nghiệp dọc khu vực kênh Ba Bò sử dụng nguồn nước của kênh để tưới tiêu cho rau tươi trồng trong khu vực...”.
Kênh Ba Bò đã bị xem là dòng kênh chết. Nói cách khác, ở nhiều đoạn của dòng kênh này không còn sự sống bởi nồng độ oxy hòa tan (trong nước) đo đạc năm 2006 cho thấy “tất cả các điểm đo đạc đều có nồng độ oxy hòa tan không đạt tiêu chuẩn nước mặt loại B, và tiêu chuẩn chất lượng nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh”. Giá trị oxy hòa tan dao động trong khoảng 0 - 2,2 mg/l - “mức này là rất thấp, gây chết hầu hết các loại cá”.
Nước sinh hoạt của người dân hầu như phải trông cậy vào các giếng khoan ở độ sâu tối thiểu là 60 mét. Tuy ở độ sâu như vậy nhưng nước vẫn nhuộm một màu vàng xỉn, và người dân không có cách nào khác là phải dùng nước dơ này trong sinh hoạt.
Vừa cho xe rẽ vào tỉnh lộ 43, đi được hơn cây số, mùi hôi thối đã bốc lên từ dòng kênh cách đó không xa. Chị Huỳnh Thị Nga, ngụ ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức từ trong nhà chạy ra bắt chuyện: “Hôm nay còn đỡ, chứ cách đây mấy hôm, mùi hôi và bọt trắng xóa từ dòng nước thải chảy ra miệng cống phủ dày tới 2 - 3m, bọt bay tung tóe, bám lên trên ngọn cây như tuyết phủ”. Theo một số hộ dân sống ở đây, mùi hôi của con kênh thường xuất hiện vào lúc sáng sớm và nửa đêm, mỗi khi có mưa thì mùi hôi thối từ dòng nước bốc lên nồng nặc.
Tình trạng ô nhiễm nặng của dòng kênh Ba Bò trong những năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của những hộ dân ở đây. Chị Nga cho biết: “Tôi vốn mắc chứng viêm xoang, ngửi hoài mùi hôi thối từ dòng kênh khiến bệnh càng nặng hơn. Thương nhất là mấy đứa trẻ, sống chung với mùi hôi thối, chúng chịu không nổi, học hành sụt giảm”. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm của dòng kênh cũng gây không ít khó khăn cho việc làm ăn của người dân ở đây. Chị Nga cho biết thêm: “Nhà tôi cất mấy phòng trọ cho công nhân thuê nhưng không có ai hỏi thuê, dù giá rất rẻ”.
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường quận Thủ Đức, kênh Ba Bò ô nhiễm là do hứng chịu nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy dệt, nhuộm, chế biến bột mì, hóa chất, mỹ phẩm…
Nguồn nước đen chảy như suối đổ trực tiếp xuống hồ chứa nước đã tồn tại gần 15 năm nay. Hồ nước này đang chứa khoảng 28 triệu m3 nước thải công nghiệp độc hại và chảy ra kênh Ba Bò.
Theo ông Châu văn Tú, Giám đốc nhà máy cho biết: Đường cống trên đang trong quá trình thi công để thu gom nước thải các doanh nghiệp về nhà máy xử lý tập trung nên nước thải sản xuất của KCN Sóng Thần I có một phần không đưa vào xử lý mà đã thải thẳng ra môi trường khoảng 30 m3/ ngày đêm.
Trong khi dự luận tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đang rất bất bình về tình trạng ô nhiểm kênh Ba Bò chưa được kiểm soát thì hàng ngày vẫn có nước tẩy giặt vải đen kịt của các công ty trong Khu vực Kho Sacombank (hệ thống kho của EpCo-Minh Phụng cũ) thuộc KCN Sóng Thần I chưa qua xử lý đã đổ trực tiếp ra kênh Ba Bò.
Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Sóng Thần II cho rằng: nếu các nhà máy thải nước sản xuất không qua xử lý đạt loại B thì nhà máy xử lý tập trung của KCN không thể gánh nổi và khó xử lý đạt chuẩn A.
Như vậy, nguyên nhân kênh Ba Bò bị "đầu độc" là có một phần của đường cống này tại KCN Sóng Thần I. Trung tâm quan trắc-Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lấy mẫu nước tại ống cống trên và các mẫu nước của hai nhà máy này để phân tích làm rõ.
Ngoài ra, nguồn nước thải từ khu công nghiệp (KCN), bệnh viện cũng đang “đầu độc” người dân thành phố. Toàn thành phố có 91 bệnh viện, trung tâm y tế (chiếm hơn 65%) không hoặc có xây dựng nhưng hệ thống xử lý nước thải y tế không đạt tiêu chuẩn.
11/12 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã xây dựng hệ thống xử lý nhưng tổng lượng nước thải công nghiệp 38.000 m3/ ngày - đêm phần lớn vẫn bị “thất thoát” ra môi trường vì nhiều DN đang hoạt động trong các khu chế xuất không có hệ thống xử lý riêng hoặc có nhưng… chưa đấu nối vào hệ thống xử lý chung của KCX, KCN nên thải vô tư ra môi trường.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân khi thải rác sinh hoạt vô tội và xuống dòng nước này cũng làm tắc nghẽn dòng chảy, làm tăng mức độ ô nhiễm tại đây.
Trong khi đó, dự án xây dựng đường dự án lắp đặt hệ thống thoát nước khu dân cư Bình Chiểu và cải tạo kênh Ba Bò, quận Thủ Đức được UBND TPHCM giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị TPHCM từ tháng 10-2003 đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Kinh phí cho dự án được tỉnh Bình Dương và TPHCM cùng đóng góp, nhưng vướng mắc lớn nhất ở đây là chuyện đền bù giải tỏa và tái định cư cho 297 hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn phường Bình Chiểu.
Người dân ở đây không chấp nhận mức đền bù của dự án, cụ thể một mét vuông nhà mặt tiền bị giải tỏa được bồi thường 8,5 triệu đồng trong khi giá thị trường hiện tại từ 12 đến 15 triệu đồng. Đất nông nghiệp chỉ nhận được 350.000 đồng/mét vuông. Nhưng quan trọng hơn là đất tái định cư cho 99 hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc phường Bình Chiểu vẫn chưa được quyết định.
Dường như, như một thông lệ ở Việt Nam, cứ mỗi khi có một vụ bê bối nào đó, các ngành chức năng liên quan lại họp hành và rồi lại "đá chuyền" trách nhiệm cho nhau. Cuối cùng, không ai phải hứng chịu, chỉ có dân ở khu vực đó chịu mà thôi.
Trong khi các báo chí liên tục đưa tin cảnh báo và kêu gọi các cơ quan này có biện pháp xử lý rõ ràng, cụ thể thì mọi việc cứ nhùng nhằng. Từ chuyện đường ống ngầm xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, đến việc xây dựng hệ thống thoát nước ở kênh Ba Bò,... Cứ quay đi quay lại, lòng vòng cuối cùng người dân ngơ ngác chẳng hiểu vì sao mãi từ năm 2003, khi mà vấn đề kênh Ba Bò mới ở mức độ nhẹ, đến nay là năm 2010, khi chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cảnh báo "đây là vấn đề môi trường đáng quan tâm" mà vấn đề vẫn chưa thể giải quyết.
Liệu một hình ảnh về sông Thị Vải có xuất hiện ở Hồ Chí Minh?
Sông Sài Gòn sẽ ô nhiễm trầm trọng hơn
Chất lượng nước của lưu vực sông Sài Gòn, diện tích khoảng 4.500 km2, đang tiếp tục giảm xuống vì nồng độ các chất ô nhiễm tăng, chưa kể trong nước có sự xuất hiện của nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh.
Giới nghiên cứu cho biết, quanh sông Sài Gòn hiện có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, thuộc TP.HCM và Bình Dương. Trong giai đoạn từ 2010 – 2020, số khu công nghiệp quanh sông Sài Gòn sẽ thành 36 vì có thêm 7 khu công nghiệp nữa ở hướng Tây Ninh.
Ngoài sự ô nhiễm vì hoạt động của các khu công nghiệp, sông Sài Gòn còn bị ô nhiễm vì hoạt động chế biến nông sản (khoai mì, mía, cao su...), hoạt động vận tải (12 cảng và 42 bến), hoạt động du lịch, nước thải sinh hoạt.
Tiến sĩ Lâm Minh Triết cảnh báo, chất lượng nước sông Sài Gòn đang diễn biến thất thường theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cấp nước cho cả TP.HCM lẫn các địa phương trong lưu vực sông.
Rồi môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi về đâu?
© www.TUMASIC.tk 2009-2010

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét